Ting Ting văn minh: Nâng cao nhận thức, ngăn ngừa quấy rối

VHO- Mặc dù nữ giới thường bị quấy rối tình dục (QRTD) với tỷ lệ cao, dưới nhiều hình thức, nhưng tại các buổi nói chuyện trực tiếp với thanh niên, HSSV tại các khu công nghiệp và các trường học, đa phần các bạn trẻ đều chưa hiểu rõ về QRTD, chưa có nhiều kiến thức pháp luật và cách tự bảo vệ hay ứng phó khi là người trong cuộc và, hoặc chứng kiến sự việc.

Ting Ting văn minh: Nâng cao nhận thức, ngăn ngừa quấy rối - Anh 1

 Nhiều bạn trẻ không xác định được đường biên giữa việc trêu đùa, thể hiện tình cảm với QRTD

 Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 87% phụ nữ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM từng chịu ít nhất một hình thức QRTD nơi công cộng. Gần 48% sinh viên tại 5 trường đại học đã từng trải qua hành vi bạo lực tình dục, QRTD; trong đó tỷ lệ sinh viên nữ đã từng có trải nghiệm QRTD là 51,9% và nam sinh viên là 38,7%.

Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các vụ tố cáo QRTD đều rất khó khăn trong việc thu thập và trình bày chứng cứ. Đường biên giữa những lời trêu đùa, thể hiện tình cảm với QRTD khá mong manh, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục về vấn đề này hầu như bỏ ngỏ với thanh thiếu niên. Một bối cảnh khác là các khuôn mẫu xã hội truyền thống dường như cổ vũ cho thái độ lấn tới dù không được chấp thuận của nam giới với nữ giới. Một số ví dụ rất gần đây cho thấy, không ít trường hợp được coi là bình thường, thậm chí được khích lệ khi người nam áp đặt mong muốn của mình lên phụ nữ. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng: “Đã đến lúc vấn đề QRTD cần được đưa ra trao đổi cởi mở và nghiêm khắc trên cơ sở tôn trọng và thấu hiểu. Tôi nghĩ, không chỉ thanh niên, sinh viên, học sinh cần có các kỹ năng tự bảo vệ, mà nhà trường, Bộ GD&ĐT cũng cần coi đây là một vấn đề quan trọng trong hệ thống giáo dục để đầu tư xứng đáng cho các chương trình này”.

Có thể thấy, QRTD nơi làm việc đã được đề cập trong Luật Lao động và năm 2019 đã được Bộ LĐ,TB&XH xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, nhưng hầu hết các trường Đại học, các trường phổ thông cũng như các doanh nghiệp gặp lúng túng khi xử lý các vấn đề liên quan tới QRTD, xâm hại tình dục khi phát sinh vụ việc. Các hướng dẫn chi tiết và hệ thống báo cáo về QRTD hầu như chưa có tại các cơ sở này. Còn với một số nam giới, họ lại tỏ ra lo ngại khi phong trào chống QRTD phát triển trong xã hội. Họ sợ bị oan uổng, sợ mất đi một số quyền lợi mà họ vẫn đang đương nhiên được hưởng và nghiễm nhiên hành xử. Họ cũng lo ngại đời sống trở nên khô cứng khi các trao đổi tình cảm có khả năng trở thành bằng chứng cho các cáo buộc.

Theo báo cáo tổng quan ngành truyền thông số tại Việt Nam năm 2021 của We Are Social và Hootsuite, tính đến tháng 1.2021, Việt Nam có khoảng 68,72 triệu người dùng Internet (70,3% tổng dân số); số người dùng mạng xã hội là khoảng 72 triệu người (tương đương 73,7% dân số), cùng với đó, tình trạng QRTD trên mạng, qua điện thoại và các hình thức công nghệ cao khác đang ngày một gia tăng. Đặc biệt, trong thời kỳ Covid-19, khi sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với nhau bị hạn chế, thì quấy rối qua mạng xã hội dường như có điều kiện để phát triển. Mỗi sự việc và thời điểm xảy ra câu chuyện QRTD sẽ qua đi, nhưng sự tổn thương sâu sắc của nạn nhân thì kéo dài không biết đến bao giờ mới có thể quên.

Nhằm góp phần phòng ngừa và ứng phó với tình trạng QRTD trên không gian mạng, ba tổ chức xã hội gồm: Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Viện Phát Triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) đã khởi động chuỗi các hoạt động truyền thông nhằm ngăn ngừa và ứng phó với tình trạng QRTD mang tên Ting ting Văn Minh. “Để giải quyết vấn đề QRTD cần có sự tham gia và chủ động của mỗi người. Các bạn thanh thiếu niên chính là nhân tố quan trọng trong thay đổi các định kiến, các chuẩn mực giới không tốt, gây bất bình đẳng giới, bạo lực giới. Ở từng vị trí, vai trò khác nhau, dù là học sinh hay sinh viên hay người lao động tại doanh nghiệp, thì tất cả các bạn đều là những người có vai trò rất lớn trong góp phần định hình lên các hành vi văn minh của một quốc gia, của xã hội nói không với bạo lực giới, nói không với QRTD”, Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT nói.

Theo đó, chuỗi hoạt động Ting ting Văn Minh sẽ giới thiệu và lan tỏa tới HSSV từ các trường đại học, các trường phổ thông và người lao động trẻ tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hưởng ứng tham gia, từ đó cung cấp thêm thêm kiến thức, kỹ năng trong phòng ngừa QRTD để họ tránh được nỗi đau, vết hằn không đáng có trong cuộc đời của mỗi người trẻ. “Các bạn thanh, thiếu niên là bộ phận tiên phong trong mọi thay đổi tích cực của các hoạt động xã hội. Các bạn nhạy bén với các trào lưu mới, nhạy bén và thông thạo về khoa học công nghệ, thông tin và làm chủ mạng xã hội. Tôi tin rằng, khi các bạn nhận thức đúng đắn và toàn diện về vấn đề QRTD, bao gồm cả trong cuộc sống lẫn trên các phương tiện kỹ thuật số, các bạn sẽ lan tỏa và góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh hướng tới chấm dứt mọi hình thức quấy rối”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD nhấn mạnh. 

NGUYỆT MINH

Ý kiến bạn đọc